Thành Lập Doanh Nghiệp

Bài viết tổng hợp các thủ tục luật pháp để thành lập doanh nghiệp. thành lập công ty tại Việt Nam. Các thủ tục luật pháp theo quy định và luật mới nhất hiện nay.

thành lập doanh nghiệp
Các thử tục để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam

 

Các bước thực hiện thủ tục thành lập công ty

Thông tin này được trích xuất từ sở kế hoạch đầu tư TP.HCM

I. Hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:

  • Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày Lễ, Tết):
  1. Buổi sáng: từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30;
  2. Buổi chiều: từ 13 giờ đến 17 giờ.
  • Thứ Bảy:
  1. Buổi sáng: từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.
  2. Chiều: nghỉ

Trình tự như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo quy định

Cách 1: Doanh nghiệp tự tra cứu quy định hiện hành về đăng ký doanh nghiệp để chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Cách 2: Doanh nghiệp truy cập vào website của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sử dụng “Dịch vụ phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà” để chuẩn bị hồ sơ.

Cách 3: Doanh nghiệp chuẩn bị các thông tin đăng ký doanh nghiệp và liên hệ Phòng Đăng ký kinh doanh để được hỗ trợ soạn hồ sơ đăng ký kinh doanh theo thứ tự và loại hình doanh nghiệp có hỗ trợ.

Bước 2: Doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp\Người được ủy quyền lấy số thứ tự để nộp hồ sơ.

Cách 1: Gọi tổng đài 1080 đặt giờ nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh.

Cách 2: Đến trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh để lấy số thứ tự

Bước 3: 

Theo thời gian hẹn trước với tổng đài 1080 hoặc theo thời gian hẹn trên phiếu số thứ tự Người thành lập doanh nghiệp\Người được ủy quyền đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nộp hồ sơ hoặc để được tư vấn soạn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Bước 4:

Sau khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được tiếp nhận người nộp hồ sơ có thể đăng ký dịch vụ trả kết quả tại nhà của Bưu điện Thành phố hoặc theo ngày hẹn trên biên nhận đến Phòng Đăng ký kinh doanh nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp

 Lưu ý:

Trường hợp người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp: người được ủy quyền xuất trình bản chính Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác và giấy tờ sau:

1. Hợp đồng cung cấp dịch vụ (giữa người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ) và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ hoặc

2. Văn bản ủy quyền cho cá nhân theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực trường hợp thành lập mới hay văn bản ủy quyền của người đại diện pháp luật trường hợp thay đổi thực hiện nộp hồ sơ

II. Hướng dẫn nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp:

Thời gian nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp:

  • Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày Lễ, Tết):
  1. Buổi sáng: từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30;
  2. Buổi chiều: từ 13 giờ đến 17 giờ.
  • Thứ Bảy:
  1. Buổi sáng: từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30.
  2. Chiều : nghỉ

Trình tự như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp\Người được ủy quyềnxuất trình Giấy biên nhận hồ sơ tại Phòng Trả kết quả đăng ký doanh nghiệp lấy số thứ tự

Bước 2: Theo số thứ tự, doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp xuất trình bản chính Chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) hoặc Người được ủy quyền xuất trình văn bản ủy quyền cho cá nhân theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực trường hợp thành lập mới hay văn bản ủy quyền của người đại diện pháp luật trường hợp thay đổi đến nhận kết quả  kèm bản chính Chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) để được nhận kết quả.

Bước 3: Khi nhận được kết quả đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp\Người được ủy quyền  phải kiểm tra kỹ thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trước khi rời Phòng Đăng ký kinh doanh. Trường hợp thông tin chưa chính xác thì liên hệ ngay cán bộ trả kết quả để giải quyết theo quy định

Lưu ý:

* Trường hợp doanh nghiệp có thay đổi đại diện pháp luật , văn bản uỷ quyền cho người khác đến nhận kết quả phải do người đại diện pháp luật mới ký từ ngày được cấp đăng ký doanh nghiệp

* Trường hợp doanh nghiệp mất Giấy biên nhận, doanh nghiệp làm Giấy đề nghị mất biên nhận để được nhận kết quả.

* Trường hợp doanh nghiệp phát hiện thông tin sai sau ngày nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp:

a/ Nếu do Phòng Đăng ký kinh doanh cấp không đúng so với thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: doanh nghiệp làm hồ sơ Hiệu đính thông tin và nộp tại Quầy lấy số – Phòng Tiếp nhận hồ sơ.

b/ Nếu do doanh nghiệp kê khai không đúng: doanh nghiệp làm hồ sơ cấp lại hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp tại Quầy lấy số – Phòng Tiếp nhận hồ sơ.

Thông tin thêm cho doanh nghiệp mới thành lập

Thuế môn bài áp dụng đối với công ty thành lập trong năm 2017 như sau:

Bậc thuế Vốn điều lệ đăng ký Mức thuế/năm
Bậc 1  Trên 10 tỷ đồng 3.000.000 đồng
Bậc 2 Từ 10 tỷ đồng trở xuống 2.000.000 đồng
Bậc 3 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh, tổ chức kinh tế khác 1.000.000 đồng

Nếu công ty thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Với việc mở cửa đất nước và một chính phủ kiến tạo, hội nhập. Việc thành lập doanh nghiệp bây giờ khá dễ dàng. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc kiểu Start-Up thì hoàn toàn tự chủ động thực hiện được.

Các thủ tục sau thành lập công ty cần thực hiện

  • Treo biển tại trụ sở công ty;
  • Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế (mẫu 06);
  • Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp;
  • Đăng ký tài khoản với Sở Kế hoạch và Đầu tư;
  • Đăng ký chữ ký số điện tử;
  • Đăng ký nộp thuế điện tử;
  • In và đặt in hóa đơn lần đầu;
  • Kê khai và nộp thuế môn bài;
  • Ghi nhận và thực hiện góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
thủ tục thành lập công ty
Các thủ tục thành lập công ty

1. Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và đầu tư thành phố

Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp: do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tiến hành. Hồ sơ chuẩn bị đăng ký mở tài khoản ngân hàng bao gồm:

  • 01 bản công chứng “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
  • 01 bản công chứng “Chứng minh nhân dân” của người đại diện pháp luật ghi trên giấy phép.
  • 01 bản công chứng “Thông báo về việc đăng tải thông tin con dấu doanh nghiệp”.
  • Đăng ký chữ ký số để nộp thuế điện tử và báo cáo thuế qua mạng Internet.
  • Đăng ký nộp thuế điện tử từ một ngân hàng mà doanh nghiệp đã đăng ký mở tài khoản.

Thông báo tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội.

Hiện nay cơ quan thuế đã ngừng tiếp nhận mẫu 08 về thông báo tài khoản ngân hàng Theo Thông tư 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016. Tuy nhiên doanh nghiệp cần thông báo tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội để cập nhật lên hệ thống thông tin quốc gia về doanh nghiệp và hệ thống thuế.

Hồ sơ thông báo tài khoản ngân hàng gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (thay đổi thông tin đăng ký thuế).
  • Hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý (Hợp đồng ủy quyền).

Thời gian thực hiện: 04-05 ngày làm việc.

2. Nộp tờ khai thuế môn bài và nộp thuế môn bài

Theo quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 và Thông tư 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 thì mức thu lệ phí môn bài và thời hạn nộp tờ khai, lệ phí môn bài được quy định như sau:

Mức thu lệ phí môn bài:

  • Doanh nghiệp có vốn điều trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm.
  • Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm.

Thời hạn nộp tờ khai, nộp thuế môn bài:

Theo quy định của Nghị định 139/2016 thì thời hạn nộp tờ khai và thuế môn bài ấn định 02 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, nếu doanh nghiệp đã phát sinh hoạt động kinh doanh thì phải nộp và kê khai thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Trường hợp thứ hai, người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế. Tuy nhiên, việc xác định thời hạn bắt đầu kinh doanh không rõ ràng nên cách áp dụng thời hạn kê khai và nộp thuế môn bài của cơ quan quản lý thuế chưa thống nhất nên tốt nhất doanh nghiệp cần nộp và kê khai thuế môn bài sớm nhất có thể (trước ngày cuối cùng của tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

3. Làm biển Công ty

Doanh nghiệp bắt buộc phải treo biển tại trụ sở.

4. Mua chữ ký số điện tử để thực hiện nộp thuế điện tử

Có thể thông qua dịch vụ của các Cty Luật

5. Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Điều kiện để được chấp thuận: Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

Hồ sơ gồm:

  • 02 Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ (mẫu 06/GTGT ban hành kèm theo theo Thông tư 156/2013/TT-BTC);
  • 01 Bản sao công chứng đăng ký kinh doanh;
  • 01 Bản sao công chứng CMND người đại diện theo pháp luật;
  • 01 Bản sao công chứng Hợp đồng thuê địa điểm và giấy tờ nhà đất công chứng của địa điểm thuê.

6. Đề nghị đặt in hóa đơn và đặt in hóa đơn

Hồ sơ đề nghị đặt in hóa đơn làm thành 02 bộ gồm:

  • 02 đơn đề nghị đặt in hóa đơn đặt in ( Mẫu 3.14 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC)
  • 02 bản sao giấy phép kinh doanh
  • 02 bản sao thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của Cơ quan Thuế.

Sau khi nộp hồ sơ đề nghị đặt in hóa đơn trong vòng 4-5 ngày, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra trụ sở để xem xét chấp thuận hay không (kiểm tra có thể có hẹn trước hoặc đột xuất, do đó doanh nghiệp cần thu xếp có nhân sự túc trực tại Văn phòng trong thời gian nộp hồ sơ đặt in hóa đơn).

Các nội dung cần chuẩn bị khi cơ quan thuế xuống kiểm tra:

  • Treo biển tại trụ sở chính;
  • Hợp đồng thuê nhà; CMND+ hộ khẩu của chủ nhà
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản công chứng);
  • Đăng ký kinh doanh;
  • Con dấu của doanh nghiệp;
  • Thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
  • Bố trí văn phòng làm việc để thể hiện doanh nghiệp có hoạt động;
  • Nhân viên/đại diện theo pháp luật để tiếp cơ quan thuế.

Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện đặt in hóa đơn thì phải tiến hành mua hóa đơn từ Cơ quan thuế để sử dụng thì làm hồ sơ, thủ tục mua hóa đơn tại Chi cục Thuế/ Cục thuế. Hồ sơ chuẩn bị (02 bộ) gồm:

  • 02 Đơn đề nghị mua hóa đơn ( Mẫu 3.3 Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC);
  • 02 Bản cam kết – Mẫu số 3.16 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC)
  • 02 bản sao thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của cơ quan thuế
  • 02 bản sao Thông báo chấp thuận đăng ký DV nộp thuế điện tử qua ngân hàng
  • 02 Chứng từ xác nhận đã nộp thuế Môn bài
  • 02 bản sao giấy phép đăng ký doanh nghiệp
  • 02 bản sao CMND của người đại diện pháp luật

Tìm hiểu về loại hình doanh nghiệp: JSC là gì ?